Thủ tục, chi phí xây nhà
Tìm tới một căn nhà đã xây xong phần thô của anh Long tại ngõ 72, Trung Liệt, Đống Đa,Hà Nội. Căn nhà này có diện tích 50m2, xây 3 tầng. Theo anh Long, căn nhà này anh sống từ năm 2000 đến nay hiện đã cũ đã xuống cấp nên anh xây dựng lại. Anh cho biết nhà của anh đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng ở chính quyền địa phương cũng phải mất thời gian 3 tháng. Để bắt tay vào xây nhà anh cũng phải đi tham khảo một số nhà phố đã xây trước đó và tìm đến những công ty thiết kế kiến trúc có uy tín ở thành phố để thuê làm bản vẽ thiết kế.
Để xin giấy phép xây dựng, yêu cầu gia chủ phải có đơn xin cấp giấy phép xây dựng do chủ nhà đứng tên. Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất, kèm theo bản trích lục bản đồ đất hoặc trích đo trên thực địa xác định sơ đồ ranh giới lô đất, cao độ và tỉ lệ đúng quy định địa chính. Hồ sơ thiết kế của Công ty Thiết kế có pháp nhân gồm: Mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/200-1/500, sơ đồ vị trí công trình, mặt bằng các tầng, mặt đứng và mặt cắt công trình tỷ lệ 1/100, mặt bằng móng, chi tiết mặt cắt móng, sơ đồ cấp thoát nước, điện.
Anh Long tâm sự: “Vợ chồng anh đi làm nhiều năm nay cũng tích cóp được một số tiền kha khá nên anh muốn xây dựng một căn nhà kiên cố chất lượng để ăn đời ở kiếp với nó nên vợ chồng anh không ngại khi đầu tư mua những vật liệu xây dựng tốt nhất có giá thành cao hiện nay như sắt Việt Nhật, xi măng Hocilm và những vật liệu có chất lượng khác…”
Anh cho biết để hoàn thiện căn nhà này ước tính sẽ mất chi phí khoảng 5 triệu/m2 tính cả tiền công thợ và tiền vật liệu xây dựng, nhà anh có diện tích 50m2 và xây 3 tầng tính ra hết hơn 700 triệu”. “Mức giá này là anh đã bớt được chi phí thuê nhà thầu xây dựng vì có người nhà làm chủ thầu nên đỡ phải thuê xe trộn bê tông và cốt pha và tiền công giám sát thi công”.
Kinh nghiệm của người thợ xây
Người trực tiếp xây nhà cho anh Long là anh Tường (43 tuổi, quê ở Nam Định) đã có thâm niên trong nghề thợ xây gần 25 năm. Anh cho biết mỗi năm anh xây trung bình 3 căn nhà, có những năm nhiều nhất là 9 căn.
“Làm nhà cốt yếu nằm ở nền móng của căn nhà và chất lượng của vật liệu xây dựng. Nên đầu tư làm móng chắc chắn, cần thì ép cừ, ép cọc. Một điều nữa là gia chủ nên tự mình đi chọn vật liệu xây dựng và nên có người nhà đứng ra giám sát thi công căn nhà”, anh Tường nói.
Anh này cho biết thêm, thực tế làm việc nhiều năm qua đi làm cho nhiều chủ thầu xây dựng anh đã chứng kiến rất nhiều nhà thầu rút ruột công trình và tráo đổi vật liệu xây dựng khi không có chủ nhà giám sát thi công. Khi công trình đã xây xong hoàn thiện thì chủ nhà không thể biết được bên trong của mỗi bức tường là những gì.
“Tiền công thợ của các anh nếu thợ xây giỏi thì thường được trả 320 – 350 ngàn đồng/ngày công. Tiền thợ hồ thợ phụ thường là 250 ngàn. Mỗi thợ giỏi sẽ xây được 700-800 viên gạch/ngày và còn tùy thuộc vào độ cao khi xây nhà. Nếu xây ở dưới thấp thì sẽ nhanh hơn khi đứng lên giàn giáo thi công. Một bao xi măng xây được tầm 420 viên gạch, còn tô trét thì được 10m2/1 bao xi măng. 1m2 thì xây tốn 70 viên gạch”, anh Tường tiết lộ.
“Gia chủ muốn xây nhà nên đi khảo giá cả từ 2 – 5 cửa hàng vật liệu xây dựng. Giá thành sẽ chênh lệch từ 5 – 15 nghìn đồng trên mỗi loại vật liệu xây dựng tùy từng cửa hàng. Nên chọn những cửa hàng bán vật liệu xây dựng gần nhà và có uy tín lâu năm. Cách tính giá còn phụ thuộc phương tiện chuyên chở tùy vào vị trí công trình thi công nằm ở gần và hoặc xa thì giá thành sẽ có nhiều chênh lệch”.
“Đối với xây móng với nhà dân dụng thì nên chọn các loại sắt phi 16 còn lên tấm thì giảm bớt sắt để giảm sức nặng của công trình. Thông thường trong các bản vẽ thường cho thêm sắt cho chắc ăn nên sẽ gây lãng phí cho chủ xây dựng”, anh Tường tư vấn.
Anh cho biết, trong quá trình xây dựng thì cần chú ý đến việc tránh gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, xây nhà ở trong ngõ, hẻm đường đi thường nhỏ hẹp nên khi xây hết đến đâu thì gọi chủ vật liệu xây dựng cung ứng đến đó. Để sau mỗi ngày làm việc thợ xây dành ít thời gian dọn dẹp thu gom không để cát đá vương vãi lung tung ảnh hưởng môi trường và những người dân xung quanh. Điều này sẽ tránh các va chạm và điều tiếng cũng như tránh việc gây tai nạn không đáng có cho người dân trong vùng.
Khảo giá vật liệu xây dựng
Qua tham khảo giá được biết giá cát xây dựng đã tăng hơn một tháng nay. Trước đây, giá cát chỉ đứng ở 290 – 300 nghìn/1 khối nhưng bây giờ tăng từ 450 -500 nghìn và giá cả cũng tùy từng loại cát. Có cát thường và cát đẹp, cát thường thì màu sẽ đen và lẫn nhiều tạp chất hơn còn cán đẹp màu sẽ vàng óng và chất lượng cát tốt hơn.
Đối với gạch để xây cũng có nhiều loại nhiều giá cả tứ 8 – 12 nghìn/1 viên gạch. Theo những người bán hàng thì có loại gạch thường và gạch cao cấp. Những người bán hàng cho biết, những gia chủ có điều kiện thường chọn những loại gạch cao cấp để xây nhà còn những nhà xây dựng tạm bợ nhà xây cho thuê thì thường chọn gạch thường. Tuy nhiên theo chủ vật liệu xây dựng thì gạch thường cũng tùy loại có loại chất lượng cũng không thua kém gì gạch cao cấp.
Giá sắt đang có dấu hiệu giảm nhẹ xuống 1– 2 nghìn đồng/kg. Hiện giá trên thị trường cũng tùy từng loại sắt đối với giá sắt Việt Nhật phi 6, phi 8 thì có giá từ 13.500-14.200 đồng/cây; phi 10 có giá 90.000-95.500 đồng/cây; phi 12 có giá 128.000 đồng/cây; phi 14 có giá 175.000đ/ cây; phi 16 có giá 215.000/cây; phi 18 có giá 284.000/ cây. Ngoài ra còn có một số loại sắt khác có giá thành rẻ hơn và sắt của Việt Nhật hay sắt Việt Úc
Đối với đá trộn đổ bê tông thì cũng có 2 loại đá thường có giá 370.000 đồng/ khối và đá đẹp có giá 390.000 đồng/khối.
Đối với xi măng cũng có nhiều loại xi măng Sài Gòn giá từ 70.000-76.000 đồng/bao; xi măng Holcim có giá 87.000-92.000 đồng/bao; xi măng Hà tiên có giá 91.000 đồng/bao.